Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu giày nổi tiếng. Một trong những cái tên kinh điển không thể bỏ qua là giày Vans. Hãy cùng Walker.vn tìm hiểu về lịch sử và những câu chuyện xoay quanh thương hiệu có tuổi đời gần 50 năm này cùng những đôi giày đầu tiên được sản xuất qua từng thời kì nhé.
Quay ngược thời gian về ngày 16 tháng 3 năm 1966, tại 704E Broadway, Anaheim, California, Paul Van Doren và những người thân đã mở cửa hàng đầu tiên của mình dưới tên The Van Doren Rubber Company, giấc mơ về Vans cũng bắt đầu từ đó. Công ty cao su Van Doren từng là nơi duy nhất sản xuất giày và bán trực tiếp cho công chúng. Trong buổi sáng khai trương, 12 vị khách đã đến đặt mua những đôi giày với mức giá trong khoảng từ $2.49 đến $4.99, được làm và xuất xưởng ngay vào buổi chiều. Mẫu giày mà ngày nay chúng ta quen gọi là Vans Authentic đã ra đời như vậy.
Những Skateboarder yêu thích thương hiệu này thường được bắt gặp với đôi giày Vans cùng tấm ván rong chơi khắp miền Nam California vào đầu những năm 1970. Vào năm 1975, Tony Alva và Stacy Peralta đã mang đến thiết kế Vans #95 hay còn được gọi là Vans Era. Cùng với một miếng đệm hỗ trợ ở phần gót giày và sự kết hợp màu sắc đầy mới lạ, Era nhanh chóng thành sự lựa chọn hàng đầu cho dân trượt ván thời đó.
Vào năm 1979, Vans #44 được giới thiệu rộng rãi, cùng với phong trào skateboard và BMX lớn mạnh, Vans Slip-On thực sự tạo nên cơn sốt. Đến cuối thập niên 70, Vans đã nắm trong tay hệ thống 70 cửa hàng tại California và những đôi giày theo các tay buôn được bán ra khắp nơi trong nước lẫn thế giới.
Sang đầu những năm 80, Paul Van Doren dần nắm giữ ít vai trò hơn trong những hoạt động của công ty. Vans cũng bắt đầu chú trọng hơn đến những mảng mới như bóng chuyền, bóng rổ, đấu vật, nhảy dù,… trong nỗ lực cạnh tranh với những thương hiệu giày thể thao khác.
Đến 1982, Vans Slip-On lại tiếp tục nhận được sự yêu thích và quan tâm rộng rãi khi được mang bởi Sean Penn trong bộ phim kinh điển “Fast Times at Ridgemont High”. Mặc dù những sản phẩm chủ đạo của Vans có mức tiêu thụ khá tốt nhưng chi phí cho toàn bộ dây chuyền sản xuất và duy trì hoạt động thật sự làm cạn kiệt nguồn đầu tư. Không còn cách nào khác khi không thể chi trả những món nợ khổng lồ, công ty đành phải đệ đơn xin phá sản vào năm 1983.
Thế nhưng chỉ 3 năm sau đó, Paul Van Doren đã thanh toán toàn bộ số nợ và vực dậy công ty. Năm 1988, công ty được người chủ sở hữu gốc bán lại cho một ngân hàng đầu tư với giá 74.4 triệu đô. Với những kế hoạch đầu tư và hỗ trợ tài chính mới, Vans đã mở rộng và phát triển đầy mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Đến năm 2000 và lần tiếp theo vào 2001, Vans đã được Forbes công nhận là một trong những công ty quy mô nhỏ tốt nhất của Mỹ. 2004 đánh dấu sự ra mắt của Vans Customs tại www.vans.com khi các khách hàng có thể tự do sáng tạo với hàng trăm màu sắc và kết hợp hoạ tiết trên những mẫu giày kinh điển.
Không chỉ tiếp tục phát triển và sáng tạo không ngừng, Vans còn nhiều lần hợp tác với những thương hiệu khác tạo nên những mẫu giày đầy bắt mắt và giá trị. Sắp tới kỉ niệm 50 năm thành lập chắc chắn Vans sẽ còn mang đến nhiều bất ngờ và độc đáo khác.